BÀI GIÁO HUẤN I BÀI GIÁO HUẤN III

NHỮNG BÀI GIÁO HUẤN VỀ ĐỨC MARIA

Lm Phan Tấn Thành, OP dịch
BÀI 2
KHUÔN MẶT CỦA MẸ MARIA TRONG NHỮNG THẾ KỶ ĐẦU TIÊN

Từ những thế kỷ đầu tiên của Hội thánh, Đức Maria đã được gọi là “Mẹ của Đức Giêsu”, “Mẹ đồng trinh”, “Mẹ Thiên Chúa”: cả ba đều nhằm diễn tả mối tương quan giữa Đức Maria với mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người.

1.- Trong Hiến chế Anh sáng muôn dân, công đồng Vaticanô II đã quả quyết rằng “ các tín hữu liên kết với Đức Kitô là đầu thì cũng kết hiệp với hết các thánh của Người, và cũng phải tôn kính “trước hết là Đức Maria vinh hiển trọn đời đồng trinh, Thân mẫu Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa và Chúa chúng ta”(số 52). Hiến chế của Công đồng đã dùng những lời của Lễ Quy Rôma để nói lên rằng Đức tin vào Đức Maria là Thân mẫu Thiên Chúa đã hiện diện trong tư tưởng Kitô giáo ngay từ những thế kỷ đầu tiên. Trong Hội thánh mới khai sinh, Đức Maria được nhắc nhớ với tước hiệu là “Thân mẫu của Đức Giêsu”. Chính thánh sử Luca đã tặng tước hiệu này cho Người ở sách Tông đồ công vụ, một tước hiệu cũng phù hợp với những gì đã nói ở trong các sách Phúc âm. Theo thánh sử Marcô (6, 3) người dân ở Nazarét đã hỏi nhau rằng: “ông ta …không phải là con của bà Maria đó ư?”; còn thánh sử Matthêu (13,55) ghi lại: “Tên bà mẹ ông ta là Maria phải không?”.

2.- Dưới mắt của các môn đệ, tụ họp nhau lại sau khi Chúa lên trời, tước hiệu “Thân mẫu của Đức Giêsu” đã mặc một ý nghĩa rất là sâu đậm. Đức Maria đối với họ là một nhân vật có một không hai: Người đã nhận được hồng ân đặc biệt là sinh hạ Đấng Cứu chuộc nhân loại, Người đã sống lâu năm bên cạnh Chúa, và trên núi Calvariô đã được Chúa mời gọi giữ vai trò của một “người mẹ mới” đối với môn đệ yêu dấu và, qua người môn đệ này, của tất cả Hội thánh.
Đối với những ai tin kính và bước theo Chúa, “Thân mẫu của Đức Giêsu” là một tước hiệu tôn kính sẽ còn tồn tại mãi mãi trong đời sống và trong niềm tin của Hội thánh. Cách riêng, qua tước hiệu này, các Kitô hữu muốn khẳng định rằng không thể nào tìm về nguồn gốc của Đức Giêsu mà không nhận biết vai trò của một người phụ nữ đã sinh ra Người trong Chúa Thánh Thần theo bản tính nhân loại. Chức vụ làm mẹ của Đức Maria cũng có ảnh hưởng tới sự sinh hạ và phát triển của Hội thánh. Khi nhắc tới vai trò của Đức Maria trong cuộc đời của Đức Giêsu, các tín hữu mỗi ngày khám phá ra sự hiện diện đắc lực của Mẹ trong hành trình thiêng liêng của mình.

3.- Ngay từ đầu, Hội thánh đã nhìn nhận Đức Maria là mẹ đồng trinh. Như các Phúc âm thời niên thiếu đã hé cho thấy, các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên đã thu thập lại những ký ức của Đức Maria về những hoàn cảnh huyền nhiệm chung quanh việc thụ thai và sinh hạ Chúa Cứu thế. Cách riêng, trình thuật về việc Truyền tin đã đáp lại lòng khát khao của các môn đệ muốn biết một cách sâu đậm hơn những việc có liên quan tới những giây phút bắt đầu cuộc sống dương thế của Đức Kitô Phục sinh. Xét cho cùng, Đức Maria là nguồn gốc mặc khải về mầu nhiệm sự thụ thai trinh khiết do quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Chân lý đó, khi cho thấy nguồn gốc thiên tính của Đức Giêsu, đã được các Kitô hữu nguyên thủy nắm bắt được tầm quan trọng, và đã được liệt vào những điều xác tín quan trọng của đức tin. Tuy được coi là con của ông Giuse theo luật pháp, nhưng trên thực tế Đức Giêsu nhờ sự can thiệp đặc biệt của Chúa Thánh Thần, xét về nhân tính thì chỉ là con của bà Maria mà thôi, bởi vì Người đã được sinh ra mà không do sự can dự của một nam nhân. Như vậy sự trinh khiết của Đức Maria đã mang một giá trị đặc biệt, vì làm sáng tỏ sự sinh hạ và về mầu nhiệm làm con của Đức Giêsu , bởi vì sự sinh hạ trinh khiết là dấu chỉ rằng Đức Giêsu chỉ có Thiên Chúa là Cha mà thôi[1]. Các giáo phụ đã nhìn nhận và tuyên xưng chân lý đức tin về “Mẹ đồng trinh”; chân lý này không bao giờ có thể tách ra khỏi bản tính của Đức Giêsu, là người thật và là Thiên Chúa thật, bởi vì “Người đã được sinh ra bởi Đức Trinh nữ Maria” như là chúng ta tuyên xưng trong tín biểu của công đồng Nixêa-Constantinopolis. Đức Maria là kẻ duy nhất vừa là trinh nữ và cũng là mẹ. Sự hiện diện khác thường của cả hai đặc ân trong con người của thiếu nữ Nazarét đã đưa các tín hữu tới chỗ gọi Đức Maria dưới một danh hiệu đơn giản là “Đức Trinh nữ” kể cả lúc họ tôn kính người Từ mẫu.
Đức trinh khiết của Đức Maria đã khai mào trong cộng đoàn Kitô hữu sự phổ biến của đời trinh khiết, được ôm ấp bởi những người được Thiên Chúa kêu gọi. Ơn gọi đặc biệt này đạt tới tột đỉnh nơi Đức Kitô, trở thành một kho tàng thiêng liêng vô giá cho Hội thánh hết mọi thời đại, và tìm thấy hứng khởi và khuôn mẫu ở nơi Đức Maria.

4.- Lời khẳng định “Đức Giêsu sinh bởi Trinh nữ Maria” đã hàm ngụ sự hiện diện của một mầu nhiệm siêu việt trong biến cố này, mà riêng chỉ có thể được giải thích thỏa đáng nơi chân lý về Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Chân lý nòng cốt này của đức tin Kitô giáo này đã được liên kết chặt chẽ với chân lý về chức làm mẹ Thiên Chúa của Đức Maria : thực vậy, Người là Thân mẫu của Ngôi Lời Nhập thể, Đấng là “ Thiên Chúa bởi Thiên Chúa … Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”.
Tước hiệu “Thân mẫu Thiên Chúa”, đã được Matthêu chứng tỏ qua dạng thức tương đương là “Thân mẫu của Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (x. Mt 1, 23) đã được gán cho Đức Maria một cách minh nhiên sau một cuộc suy tư lâu dài kéo dài hai thế kỷ. Chính các Kitô hữu ở thế kỷ thứ III bên Ai-cập đã bắt đầu kêu cầu Đức Maria dưới tước hiệu “Theotokos”, Thân mẫu Thiên Chúa (Đức Mẹ Chúa Trời).
Với tước hiệu này, được vang lên trong nhiều kinh nguyện, Đức Maria đã xuất hiện trong chiều kích đích thực của chức làm mẹ: Người là Thân mẫu của Con Thiên Chúa, Người đã sinh hạ Con Thiên Chúa theo nhân tính, đã dưỡng dục bằng tình hiền mẫu, đã góp phần vào sự trưởng thành nhân bản của Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng đã đến để thay đổi thân phận của nhân loại.

5.- Một sự kiện rất có ý nghĩa là kinh nguyện cổ điển nhất dâng lên Đức Maria (Sub tuum praesidium[2]) đã hàm chứa lời cầu: “Théotokos, Thân mẫu Thiên Chúa”. Tước hiệu này không phát xuất từ một cuộc suy tư của các nhà thần học, nhưng từ một sự trực giác đức tin của Dân Thiên Chúa. Những ai đã nhìn nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa thì cũng hướng về Đức Maria như là “Đức Mẹ Chúa Trời” và hy vọng sẽ được sự giúp đỡ uy quyền của Người trong những cơn thử thách của cuộc sống.
Công đồng Ephêsô năm 431 đã xác định tín điều về Thân mẫu Thiên Chúa khi chính thức gán cho Đức Maria tước hiệu “Théotokos”, nhắm đến về ngôi vị duy nhất của Đức Kitô, là Thiên Chúa thật và là người thật.
Ba tước hiệu mà trải qua thời gian Hội thánh đã diễn tả niềm tin vào chức làm Mẹ của Đức Maria
– “Thân mẫu của Đức Giêsu” , “Mẹ đồng trinh” và “Thân mẫu của Thiên Chúa”
– đều bày tỏ rằng chức làm mẹ của Đức Maria gắn liền với mầu nhiệm Nhập thể. Đó là những lời xác tín đạo lý, tuy cũng gắn liền với lòng đạo đức bình dân, đã đóng góp vào sự xác định bản chất đích thật của Đức Kitô.
________________________________________
[1] Đề tài này sẽ được quảng diễn ở các bài 26-29. [2] Đó là kinh “Chúng con trông cậy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời …”. Xem bản dịch mới ở bài 37.